VÙNG ĐĂM CỔ KÍNH
Tân An
Truyền thuyết của địa phương kể rằng dân vùng Đăm đã theo Quách Lãng cùng nàng Bạch, nàng Tĩnh khởi nghĩa, theo Hai Bà Trưng chống ách đô hộ của nhà Đông Hán.
Tục thi bơi thuyền ở vùng Đăm diễn lại cảnh luyện quân của nàng Bạch, nàng Tĩnh gần hai ngàn năm trước, là chứng tích còn lại của người Đăm trong cuộc khởi nghĩa chống lại kẻ đô hộ thủa xa xưa.
Đăm có lẽ là tên Nôm, còn tên chữ là Đàm chăng, việc này chưa có kết luận khoa học. Chỉ biết vùng Đăm xưa gồm có ba xã Tây Đàm, Trung Đàm và Đông Đàm. Đến thế kỷ XVI, do kiêng tên húy Lê Thế Tông (1573-1600), nên đổi Đàm thành Đam. Và rồi, đến đời Nguyễn, lại kiêng húy của Minh Mạng (1820-1840), mới đổi Đam thành Tựu: Tây Tựu, Trung Tựu, riêng Đông Đam đổi thành Phúc Lý. Theo sách Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ thì “sông Nhuệ phát nguyên từ làng Tây Đàm”. Có lẽ Phạm Đình Hổ coi đầm Tây Đàm là khởi nguồn của sông Nhuệ. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi rõ ngọn nguồn hơn: Sông Nhuệ nguyên phát từ đầm Bát Long, làng Hạ Mỗ, đến Tây Đàm thì phình rộng ra đến gấp ba lần, kéo dài chừng một cây số, như một cái đầm lớn. Người Đăm không gọi là sông, mà gọi là đầm, vì nó rất rộng. Nhưng người Tây Đàm không nuôi thả cá được, bởi thực chất đó là một khúc sông Nhuệ. Tuy vậy, khúc sông rộng như đầm này khiến người Đăm có thuận lợi để tổ chức hội thi bơi thuyền nổi tiếng tứ xứ:
Làng Đăm có hội bơi thuyền
Có lò đánh vật có miền trồng rau.
Tây Tựu vốn có ba làng Thượng, Trung và Hạ, nhưng từ rất xa xưa, do chung một đình, một chùa, nên đã sinh sống như một làng. Đình và chùa Tây Tựu xưa kiểu cung điện lớn rất đẹp. Tương truyền có bà Nguyễn Thị Tính, là vợ vua Lê Hy Tông (1676-1680), sinh được ba con trai, Lê Duy Đề, tước Thái Bảo, ích Quận công; Lê Duy Hựu làm Đô tổng binh, Dụ Quận công; con thứ ba của Thông mẫu công đã ốm, chết khi mới 18 tuổi, sau khi vua Hy Tông mất, bà Nguyễn Thị Tính về quê ở, tậu ruộng vườn, và xuất tiền làm đình cung tiến cho dân xã, làm chùa để hậu vào đấy để dân thờ cúng. ở Tây Tựu có vị danh tướng rất dày công đức, là Nguyễn Hữu Liêu (1532-1579): Trong tác phẩm Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí, Phan Huy Chú đã khen ngợi Nguyễn Hữu Liêu “...là người tinh anh sáng suốt, quyết đoán. Mỗi khi lâm trận khí hăng hái lên tận mây, tiếng gầm thét như gió thổi, ba quân vì thế mà phấn khởi đánh đâu được đấy. Thế nhưng lại chất phác giữ lễ, thời ấy khen ông là tướng giỏi...” Nguyễn Hữu Liêu có công chỉ huy tiến quân vào giải phóng Thăng Long, chấm dứt thời kỳ nội chiến Lê - Mạc. Hiện nay, nhà thờ 5 gian lớn của họ Nguyễn, gian giữa là tượng thờ Dương Quốc công Nguyễn Hữu Liêu, và ở đây còn câu đối: Dĩ Tham Lê chiếu tam nguyên súy - Kế phát Tây đình cửu quận công (Trong họ thời Lê có ba vị nguyên soái. Đất Tây Tựu có Quận công liên tiếp). Ba nguyên soái gồm Nguyễn Hữu Liêu, Nguyễn Hữu Nghiễm, Nguyễn Hữu Tế. Còn chín Quận công ở Tây Tựu là Dương Quận công Nguyễn Hữu Liêu, Quế Quận công Nguyễn Hữu Nghiễm, Bích Quận công Nguyễn Hữu Tộ, Vân Quận công Nguyễn Hữu Tự, Đặng Quận công Nguyễn Hữu Thọ, Tuân Quận công Nguyễn Hữu Tế, Giao Quận công Nguyễn Hữu Khuê. Trong số 7 Quận công họ Nguyễn, có Giao Quận công Nguyễn Hữu Khuê là con nuôi của Nguyễn Hữu Liêu, còn thì đều là con cháu của Nguyễn Hữu Liêu. Còn 2 Quận công nữa ở Tây Tựu là những quan văn thuộc họ khác, nhưng lại là dòng khoa bảng đó là: Nguyễn Minh Điển đỗ Tiến sỹ khoa Canh Tuất 1490 đời Lê Thánh Tông, sau làm đến chức Tự Khanh. Sau này có Nguyễn Kiêm, tức Nguyễn Huy Đản, đỗ Tiến sỹ khoa Kỷ Hợi 1779 đời Lê Hiển Tông, làm quan tới Đông các hiệu thư. Đến thời kỳ cận đại, Tây Tựu có ông Đỗ Khắc Kiên, được dân yêu quý phong cho tước Đề Đốc. Đề Kiên chiêu dân vùng Đăm, tiến vào tập kích đồn Ngọc Hà của giặc Pháp đêm 5-12-1898. Cuộc khởi nghĩa không thành, Đề Kiên bị giặc chém ở chợ Nhổn. Dân làng Đăm có câu đối (tạm dịch): Cứu nước nguyện quên mình, khí tiết sáng ngời gương nước Việt - Diệt thù chưa toại chí, căm hờn nổi dậy sóng sông Đăm. Tây Tựu có một nhà thơ yêu nước là Đàm Xuyên Nguyễn Phan Lãng (1870-1951). Ông làm trợ giáo cho trường Đông Kinh nghĩa thục, đã sáng tác những bài thơ kêu gọi tinh thần yêu nước, như bài thơ dài Tiếng quốc kêu. Khi cụ Lương Văn Can mất, ông có câu đối:
Chết với non sông chết chẳng nát
Sống làm trâu ngựa sống càng nhơ.
Tuy gọi là một xã riêng thời Nguyễn, nhưng Trung Tựu vẫn tham gia hội bơi chải với Tây Tựu như xưa cũ. Là một làng nhỏ, nhưng có nhiều người học giỏi, đỗ cao, và làng cũng có Văn chỉ ghi tên những người khoa bảng. Mở đầu cho khoa bảng là Chu Đăng Long, đỗ khoa Quý Dậu 1753. Rồi đến triều Nguyễn có Đặng Trần Hanh đỗ Hương cống, nhưng dám làm văn tập kiều châm biếm chính quyền thân Pháp. Con trai ông Hanh là Đặng Trần Vỹ, đỗ đầu Hương cống. Con trai ông Vỹ là Đặng Trần Phất (1902-1929) là nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm được bạn đọc đương thời yêu mến, là 3 tiểu thuyết: Cuộc tang thương, Cành lê điểm tuyết, Những nỗi dọc đường, và tập thơ Một tấm cảm tình. Hậu duệ của Đặng Trần Hạnh còn có Đặng Trần Thi, tức nhà văn quân đội Trần Đăng (1922-1949) đã hết mình viết văn học chiến đấu chống Pháp, hy sinh tại chiến trường Đông Bắc ngày 26-12-1949.
Giáp phía Bắc Trung Tựu là Phúc Lý. Đông Đam được đổi gọi là Phúc Lý, các cụ có chữ giải thích là Phúc dày lắm, nhưng cổng làng lại có 3 chữ Tựu phúc môn (cổng làng Tựu Phúc). Như vậy vùng Đăm, qua các thời kỳ đã đổi gọi là Đàm, là Đam, rồi Tựu. Về nguồn gốc ở Tựu Phúc (Phúc lý), có truyền thuyết, thoạt đầu có ba họ Nguyễn, Trần và Vương từ Bùi Xá do hoạn nạn lớn mà lên đây ở. Về sau, có thêm các dòng họ Đào, Đỗ, Vũ, Đặng và Gia đến sinh sống. Gia phả họ Nguyễn có ghi, họ ở đây đã 17 đời, đời thứ 10 có ông Nguyễn Thông Khảo đỗ Hương cống, làm Huấn đạo phủ Lạng Giang. Còn dòng họ Trần gốc Thượng Cát đến lập cư ở đây đã 12 đời, cũng có một người đỗ Hương cống... Đất làng này là rẻo đất xấu của vùng Đăm, luôn luôn thiếu nước, đất rắn do vậy trồng trọt rất khó khăn, nên dân nghèo và có ít điều kiện học hành. Mãi đến năm 1915, sau vụ vỡ đê Liên Mạc, phù sa bồi lên một lớp dày, từ đó trồng rau màu rất tốt.
Người dân vùng Đăm từ xưa có truyền thống cần cù, khéo léo và giàu sáng tạo trong lao động và học tập. Từ lâu đã có giống ngô Đăm là đặc sản nổi tiếng, hạt nhỏ nhưng rang thì rất nở, rất thơm ngon. Các loại rau ở vùng Đăm đều ngon nổi tiếng, từ su hào, cải bắp đến hành... là nguồn cung cấp rau cho Hà Nội. Từ gần 30 năm trước, người vùng Đăm đã trồng được những giống dưa qua lai tạo giống rất phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, có giống vỏ màu xanh nhạt, giống thì có vỏ kẻ dọc, giống có vỏ màu xanh thẫm rất thơm ngon. Đặc biệt có loại dưa thơm mát nổi tiếng, người Hà Nội và nhiều vùng khác nữa rất ưa chuộng. Thực sự vùng Đăm là một miền trồng rau, như câu ca dao chúng tôi đã nêu ở đầu bài viết này. Và có thể nói, nghị lực, tài hoa, trí tuệ trong mọi mặt đời sống xã hội của người vùng Đăm từ xa xưa đã tạo nên một vùng quê văn hiến nổi tiếng nhiều tài năng văn, và dồi dào niềm vui sống:
Đăm Đông cho đến Đăm Tây
Người nhiều võ giỏi văn hay truyền đời
Đầm rộng để mở hội bơi
Người tứ xứ tìm đến chơi không muốn về.
source: Hà Nội Mới
No comments:
Post a Comment