TRUYỆN

MUCSIC

PICTURE

About nhóm

Pages

8/25/2007

Làng Phúc Lý

Làng Phúc Lý
26/09/2006 10:11
(HNMĐT) - Làng Phúc Lý nằm trên dải đất tiếp giáp đoạn đầu sông Nhuệ dài chừng một km, chảy qua ba làng có tên Nôm là Đăm. “Đăm” chính là “đầm”, tên Hán - Việt là “Đàm”, chỉ đoạn sông Nhuệ nêu trên mà dân làng quen gọi.



Làng vốn là một bộ phận ở phía Đông của làng Đăm, chưa rõ vào thời nào tách ra thành một làng riêng, gọi là Đông Đàm, vì kỵ húy Vua Lê Thế Tông (Lê Duy Đàm) nên phải đổi tên là Đông Đam, rồi lại đổi thành Phúc Đam. Đầu thế kỷ XIX, làng cũng là một xã thuộc tổng Tây Đam, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (năm 1831, cắt về phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội; năm 1902 thuộc tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông).



Đầu thập kỷ 20 của thế kỷ XIX, vì kỵ húy Vua Minh Mạng (1791 - 1841), các làng vùng Đăm phải đổi tên (Phúc Đam thành Phúc Lý, Tây Đam thành Tây Tựu, Trung Đam thành Trung Tựu).



Trong kháng chiến chống Pháp, Phúc Lý hợp với các làng bên thành xã Trung Kiên thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Tháng 5 - 1961, xã Trung Kiên được chuyển về huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Năm 1965, xã Trung Kiên đổi tên là Tây Tựu.



Về nguồn gốc, dân cư làng Phúc Lý vốn từ làng Bùi Xá (?) chuyển đến vào cuối thế kỷ XVI, lúc đầu có ba họ là họ Nguyễn, Trần, Vương, sau có thêm các họ Đào, Gia, Đỗ, Vũ Đặng. Trong số các họ, họ Nguyễn đông nhất, chiếm đến 40 % dân số, hiện còn nhà thờ và gia phả ghi lại. Cũng như dân các làng Tây Tựu, Trung Tựu, dân làng Phúc Lý dáng khỏe mạnh, chất phác, gian dị, hiếu khách.



Phúc Lý là làng có dân số trung bình (năm 1928 làng có 834 nhân khẩu), dân cư ở trong 4 xóm, trong đó xóm Thượng ở giỡa làng, nơi có các dòng họ gốc ở, xóm Chùa có đình và chùa. Đầu thế kỷ XIX, làng có trên 332 mẫu ruộng, trong đó có 25 mẫu công châu thổ (đất bãi bồi ven sông Nhuệ); 12 mẫu ruộng công dành cho những người đi lính, 2 mẫu ruộng đặt hậu để thờ cúng. Dân làng chuyên sống bằng làm nông nghiệp, trồng các loại rau, quả cho năng suất cao, nhất là sau trận vỡ đê Liên Mạc năm 1915, đồng ruộng của làng được bồi một lớp phù sa nên năng suất cây trồng được cải thiện hơn. Song vì có nhiều ra màu ngoài đồng nên làng thường bị trộm cắp xâm nhập. Bởi vậy trai làng cũng như hai làng Đăm bên cạnh rất thạo võ nghệ.



Làng Phúc Lý có đình (đã bị hủy hoại trong kháng chiến chống Pháp) cùng thờ Bạch Hạc tam giang thổ lệnh Đào Trương- vị tướng có công đánh giặc thời Hùng Duệ Vương cùng với hai làng Đăm bên, mở hội bơi chảI trên “đầm sông Nhuệ” vào ngày 12 tháng Ba. Làng có một tục hay là, trước ngày vào đám, cả làng tập trung đắp sửa đường, trồng cây nên đường làng luon cao ráo, lát gạch rất sạch sẽ.



Làng Phúc Lý trước đây cũng có một số người đỗ đạt. Mở đầu là ông Nguyễn Thông Khảo (đời thứ 10 của họ Nguyễn) đỗ Hương cống, làm Huấn đạo phủ Lạng Giang; họ Trần cũng có một người đỗ Hương cống làm Tri phủ Tuyên Quang (theo gia phả).



Thời Nguyễn, có ông Nguyễn Hữu Đức đỗ Sinh đồ khoa Đinh Mão đời Vua Gia Long (1807).



Ngày nay, làng Phúc Lý có cuộc sống khá sung túc nhờ trồng các loại hoa, rau xuất khẩu.


source: Hà Nội Mới

No comments: